Giới thiệu về trường

Vài nét về sự hình thành và phát triển của Trường THPT Nguyễn Thái Bình

khai giang 141513

 Năm 1981, tại xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam một ngôi trường cấp 3 được xây dựng. Đó là trường phổ thông cấp 3 Thăng Bình II. Ngôi trường đã tạo thuận lợi rất nhiều cho con em các xã vùng Đông Thăng Bình trong việc học tập. Học sinh khỏi phải đi gần chục cây số, (có nơi phải đi xa hơn nhiều) để học cấp 3, trong điều kiện hết sức khó khăn vào thời điểm bấy giờ.
Tuy nhiên, ngôi trường tưởng như mãi mãi đó chỉ tồn tại có 9 năm. Mùa hè năm 1990, sau khi kết thúc năm học 1989 – 1990 thì Sở Giáo dục Quảng Nam- Đà Nẵng ra quyết định sáp nhập trường Thăng Bình 2 vào trường Thăng Bình 1 (nay là trường THPT Tiểu la). Và ngôi trường ấy trở thành trường cấp 2 Lê Hồng Phong.
Năm 1995, Sở Giáo dục Quảng Nam- Đà Nẵng lại ra quyết định thành lập trường cấp 2 - 3 Bình Đào ngay tại trường cấp 2 Lê Hồng Phong. Năm học 1995- 1996, cùng với các lớp cấp 2 thì có 4 lớp 10 được tuyển mới với gần 200 học sinh. Nhu cầu đi học thì nhiều nhưng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên thiếu, nên khóa học đầu tiên, học sinh chỉ học đến lớp 10 và 11, xong phải chuyển lên học lớp 12 tại trường Tiểu la, quả là vất vả cho học sinh. Các em phải có một thời gian thích ứng với trường mới, thầy cô mới, bạn bè mới, mà thời gian vỏn vẹn chỉ có một năm học... Việc đưa học sinh lên học 12 ở Tiểu La chỉ là giải pháp tình thế. Cần phải xây dựng thêm phòng học, tăng cường cơ sở vật chất cho trường cấp 2- 3 Bình đào. Một dãy nhà 2 tầng được xây lên, nhu cầu phòng học tạm thời ổn định và học sinh không phải chuyển lên học 12 ở THPT Tiểu La nữa.
Cùng với việc tuyển dụng mới một số giáo viên cấp 3, thì Sở GD & ĐT Quảng Nam Đà Nẵng điều động một số giáo viên Thăng Bình 2 cũ ở THPT Tiểu La về lại. Vài giáo viên đã nghỉ việc sau khi trường Thăng Bình 2 sáp nhập cũng đã quay trở về vùng đất cũ. Số lượng giáo viên lúc này không đủ cho hai cấp học. Một số giáo viên cấp 2 lên dạy cấp 3, đồng thời trường phải hợp đồng một số giáo viên và thỉnh giảng giáo viên từ trường THPT Tiểu La. Những năm này vừa đảm bảo về mặt số lượng nhưng cũng không ngừng chú ý đến chất lượng. Đã có đội tuyển tham gia dự thi học sinh giỏi Tỉnh và đã có học sinh đạt giải. Một trong những học sinh đạt giải hiện nay là giáo viên của trường.
Tuy nhiên cơ sở vật chất của trường Thăng Bình 2 cũ đã xuống cấp, cần phải sửa chữa, xây dựng thêm mới đủ chỗ dạy học. Có năm học sinh phải học gần như 3 ca (14 phòng học cho 36 lớp). Cả giáo viên và học sinh đều rất vất vả. Đến cuối năm học 1998 – 1999 trường cấp 2-3 Bình Đào có 2 cơ sở dạy học, tại đây có 13 phòng học.
Số lượng học sinh của cả hai cấp học đều tăng lên, số lớp cấp 3 tăng lên 18 lớp, hơn cả số lớp khi trường Thăng Bình 2 giải thể (lúc đó là 15 lớp).
Nhu cầu tách cấp 3 ra khỏi trường cấp 2 - 3 đã trở nên cấp thiết. Do qui mô của một trường cấp 2 - 3 đã trở nên quá lớn nên công tác quản lí và tổ chức dạy học cũng như các hoạt động giáo dục khác hết sức khó khăn.
Trước nhu cầu đó, tháng 7 năm 1999, sau khi năm học 1998-1999 kết thúc, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ra quyết định thành lập trường THPT Nguyễn Thái Bình.
Lại phải làm lại từ đầu ở một ngôi trường mới! Công tác tổ chức, xây dựng cơ sở vật chất tiếp tục được tiến hành.
Toàn bộ số giáo viên cấp 3 được biên chế cho trường THPT Nguyễn Thái Bình cùng với vài giáo viên cấp 2 ở các môn trường đang còn thiếu. Khu đất mà trường Nguyễn Thái Bình đang tọa lạc, trước đây là đất sản xuất hoa màu của Hợp tác xã, dần dần biến đổi hoàn toàn. Mặt bằng sân trường được nâng cao dần và một dãy nhà 2 tầng được xây thêm. Dãy năm phòng học cũ được dùng làm khu hiệu bộ. Số phòng học đã đáp ứng được cho việc tuyển sinh lớp 10 nhiều hơn, và tổng số lớp học trên 28 lớp. Trường THPT Nguyễn Thái Bình trở thành trường loại 1.
Sự ra đời của trường THPT Nguyễn Thái Bình là sự quyết tâm rất lớn của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của các cấp quản lý giáo dục, của cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường, của các bậc cha mẹ học sinh. Mười năm qua, trường THPT Nguyễn Thái Bình đã vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách. Rất đáng tự hào về những điều mà trường Nguyễn Thái Bình đã làm được. Mười năm trước đi từ bước khởi đầu, thì hôm nay vóc dáng này là một sự vươn vai lớn dậy. Năm học 1999-2000, sau khi thành lập, toàn trường có 22 lớp, đến nay lên đến 35 lớp với hơn 1750 học sinh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên khi mới chia tách chỉ có 27 giáo viên, nhiều môn học vẫn thiếu giáo viên phải tiếp tục hợp đồng, thỉnh giảng. Số giáo viên còn lại là mới ra trường, tuổi nghề và tuổi đời còn rất trẻ. Nhưng tất cả đều sống dưới một mái ấm tình thương rất lớn, đó là ngôi trường thân yêu. Tất cả cùng vượt qua khó khăn, vất vả, cùng kề vai sát cánh xây dựng nhà trường. Mặc dù 10 năm qua, liên tục có sự điều động, bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên, nhưng ai đi xa vẫn luôn nhớ về ngôi trường một thời đầy khó khăn, gian lao mà ngập tràn tình cảm.
Mười năm trước, nếu ai không tâm huyết với nghề dạy học, với ngôi trường này thì không khỏi nản lòng. Khi mới thành lập, cơ sở vật chất của nhà trường chỉ vỏn vẹn có 13 phòng học, vừa là nơi làm việc và dạy học, có khi là nơi ở cho giáo viên. Tường rào, cổng ngõ rất đơn giản. Cổng trường là 2 cây cột bê tông, bên trên gắn bảng tên trường. Tường rào là những tấm tre đan do học sinh làm. Tuy nhiên, hàng rào dã chiến này phải bổ sung liên tục vì hư mục, chưa kể những nẹp tre khô này là nguồn chất đốt tuyệt vời đối với những trẻ em đi kiếm củi... Còn mặt sân trường, về mùa mưa thì đại bộ phận bị ngập nước, mỗi năm được nâng lên một ít từ nguồn 248 của trường. Nhà trường tạm thời làm những lối đi nâng cao từ nhà làm việc đến các dãy phòng học. Rồi thì các lối đi này được thay thế bằng những đường bê tông, mặt sân trường cũng được nâng cao, không còn bị ngập nước nữa. Những cây bàng trong sân trường cũng lặng lẽ cao dần lên và ngày càng tỏa bóng mát. Tường rào, cổng ngõ cũng được xây dựng mới. Bảng tên trường được làm mới trên hai trụ cổng vững chắc, gắn gạch men bóng loáng. Bóng dáng hàng rào tre gai đã được thay thế bằng tường xây và hàng rào kẽm gai có trồng keo lá tràm dọc theo. Ngôi trường ngày càng ra dáng vẻ và trông bề thế hơn, đẹp hơn.
Những năm đầu, bên cạnh trường lớp, cảnh quang còn rất nghèo nàn thì trang thiết bị để dạy học và làm việc hết sức thiếu thốn. Toàn trường chỉ có một chiếc máy tính 486 phục vụ cho công tác văn phòng, nhưng tất cả các văn bản và tính điểm tổng hợp các môn học đều phải nhờ ở chiếc máy này. Ở thời điểm này phần lớn cán bộ, giáo viên, nhân viên là mù tin học. Những năm sau số lượng máy vi tính đã được mua sắm thêm, và công việc cũng thuận lợi hơn. Nhà trường bắt đầu áp dụng các phần mềm về chia thời khóa biểu, quản lí học sinh. Ai đã từng ngày ấy ở Nguyễn Thái Bình ra đi, bây giờ quay lại, hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy các phòng máy vi tính hiện đại có rất nhiều máy tính. Đó là những máy mua từ chương trình mục tiêu, từ ngân sách của nhà trường, của phụ huynh học sinh đóng góp và của các đơn vị tài trợ. Nhìn các em học sinh chăm chỉ bên máy tính, thích thú khi thực hành, chúng tôi rất vui mừng và tự hào.
Bên cạnh các thiết bị dạy học ngày càng hoàn chỉnh thì thư viện nhà trường cũng được xây dựng lại. Thư viện của trường những năm trước chỉ là kho chứa sách và là nơi giáo viên đến để mượn sách. Mặc dù số lượng sách chưa nhiều, chưa đạt thư viện 01, nhưng giờ đây đã có một nơi làm việc hẳn hoi, có đủ các loại sách, chủ yếu phục vụ cho dạy học. Phòng đọc của giáo viên vừa là một phòng vi tính phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu chuyên môn của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Điều đó đã tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên nâng cao trình độ tin học của mình. Nếu như trước đây các nhân viên chỉ có một máy vi tính, thì hiện nay mỗi bộ phận đều có máy vi tính riêng, có cài đặt các phần mềm chuyên dùng.
Nhà trường đã mua sắm máy chiếu projecter và bắt đầu thực hiện dạy học trình chiếu. Trường đã có các buổi tập huấn về soạn giáo án điện tử bằng power point. Công nghệ thông tin đã được ứng dụng nhiều hơn trong giảng dạy cũng như các hoạt động giáo dục của nhà trường. Trường dành hẳn một phòng để dạy học trình chiếu, và hầu như buổi học nào cũng có giáo viên dạy ở đây.
Cùng với sự đông lên về số lượng học sinh, số lớp học thì số cán bộ giáo viên, nhân viên của nhà trường cũng tăng lên. Nếu như năm học 1999-2000 có 30 cán bộ giáo viên, nhân viên, trong đó Ban giám hiệu: 2, giáo viên: 25, nhân viên: 3, thì đến năm học 2008-2009 hội đồng sư phạm có 62 người, ban Giám 3. Đa số giáo viên của trường còn trẻ, mặc dù kinh nghiệm giảng dạy chưa nhiều, nhưng giàu nhiệt tình, có tinh thần học hỏi để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, những hiểu biết về tin học, ngoại ngữ...Ai cũng tích cực xung phong tham gia các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Sự đoàn kết gắn bó trong hội đồng sư phạm đã thu dần khoảng cách và tạo nên hiệu quả giáo dục của nhà trường ngày càng khả quan. Trường THPT Nguyễn Thái Bình mặc dầu chưa thể sánh kịp các trường lớn, nhưng hiệu quả giáo dục từng năm đã làm an lòng những người làm công tác giáo dục và phụ huynh học sinh. Tỉ lệ tốt nghiệp năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt tỉ lệ thi đỗ vào Cao đẳng, Đại học của trường luôn luôn chiếm tỉ lệ cao, năm học 2006 – 2007 và 2007-2008, tỉ lệ này khoảng 50%. Quả là con số đáng tự hào. Mười năm qua gần 5000 học sinh tốt nghiệp, ra trường. Đó là thành quả lao động, dạy dỗ và học tập của nhà trường trong điều kiện hết sức khó khăn.
Mười năm qua nhiều thầy giáo, cô giáo trường THPT Nguyễn Thái Bình đã để lại những dấu ấn tốt đẹp không bao giờ phai mờ trong tâm trí học sinh. Học sinh Nguyễn Thái Bình các thế hệ đang có mặt tại mọi miền đất nước, dù đi đâu, làm gì, ở cương vị nào- nhà khoa học, nhà quản lý, người nghệ sĩ, người chiến sĩ quân đội, người lao động bình dị, tất cả đều tự hào mình là học sinh Nguyễn Thái Bình.
Mười năm qua nhà trường kiên trì thực hiện giáo dục toàn diện, với nhiều hình thức phong phú đã giáo dục có hiệu quả đạo đức học sinh, hình thành nên nét đẹp phong cách "Người học sinh Nguyễn Thái Bình" đó là phát triển về trí tuệ, trong sáng về đạo đức, phong phú về tâm hồn, khoẻ mạnh về thể chất. Học sinh của trường đã tích cực tham gia các kì thi do Sở GD&ĐT tổ chức như thi học sinh giỏi, thuyết trình văn học, hội khỏe Phù Đổng, Đại hội TDTT, văn nghệ. Trong các kì thi này, trường luôn có học sinh đạt giải và nhiều giải cao, đã có một học sinh đạt giải nhì quốc gia môn lịch sử (năm đó không có giải nhất).
Có nhiều nguyên nhân tạo nên kết quả đó, song bao trùm trên tất cả là sự năng động, sáng tạo không ngừng đổi mới, để nâng cao híệu quả công tác quản lý, lãnh đạo nhà trường mà nổi lên là công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ nhà giáo và việc thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng được coi là nhiệm vụ có ý nghĩa then chốt. Chi bộ Đảng lúc đầu chỉ có 4 đảng viên, sinh hoạt ghép với chi bộ Giáo dục Bình Đào. Đến cuối năm 2001 trở thành chi bộ độc lập trực thuộc Huyện ủy, hiện tại có 11 đảng viên. Chi bộ liên tục đạt danh hiệu đơn vị Tổ chức cơ sở Đảng "Trong sạch, vững mạnh" từ năm 2002 dến nay.
Chăm lo xây dựng vững mạnh đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ nhà giáo là điều kiện quyết định để nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục. 100% giáo viên đạt chuẩn, 70% có trình độ chuyên môn khá, giỏi. Trong những năm gần đây đã có 15% giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp. Tập thể hội đồng sư phạm nhà trường là một tập thể đoàn kết nhất trí, gương mẫu, nhiều tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo. Các tổ chức quần chúng của nhà trường đều là những đoàn thể mạnh. Công đòan nhà trường là công đoàn vững mạnh xuất sắc được Công đoàn giáo dục Tỉnh công nhận trong nhiều năm liền. Đoàn thanh niên nhà trường liên tục nhiều năm liền có thành tích khá.
Kết quả đạt được 10 năm qua chưa nhiều, nhưng rất đáng tự hào bởi vì nhà trường hình thành và phát triển trong điều kiện hết sức khó khăn. Mười năm nhìn lại, từ bước đi chập chững ở trường cấp 2-3 Bình Đào, đến hôm nay trường THPT Nguyễn Thái Bình đã có thể bước đi vững chắc bằng tất cả tinh thần và lực lượng vốn có và sẽ có. Mười năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của các cấp quản lý giáo dục, trường THPT Nguyễn Thái Bình đã có tiếng nói chung trong tỉnh. Cùng với sự quan tâm ấy, với tất cả ý chí quyết tâm của Hội đồng sư phạm nhà trường, của cha mẹ học sinh, sự hỗ trợ các các lực lượng xã hội chắc chắn rằng sự nghiệp giáo dục ở vùng Đông Thăng Bình nói chung và trường THPT Nguyễn Thái Bình sẽ ngày càng phát triển. Nhiệm vụ của nhà trường trong những năm tới là:
Luôn bám sát đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của đất nước qua mỗi thời kỳ. Nhà trường tiếp tục đào tạo học sinh có phẩm chất tốt, có trình độ văn hoá, có sức khoẻ và nhiệt tình cách mạng góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Nhà trường không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt học tốt". Cán bộ, giáo viên, nhân trường THPT Nguyễn Thái Bình trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng khẳng định được phẩm chất, năng lực và hết lòng vì học sinh thân yêu.
"Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây", Trường THPT Nguyễn Thái Bình ghi nhớ, trân trọng và tự hào trước sự đóng góp hy sinh to lớn của các thầy, cô giáo, của các bậc cha mẹ học sinh, của lớp lớp các thế hệ học sinh. Chính những cống hiến đó đã và sẽ tạo dựng nên truyền thống tốt đẹp và thành tích to lớn của nhà trường.
Trường THPT Nguyễn Thái Bình chân thành biết ơn sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các cấp quản lý giáo dục; cảm ơn tình cảm sâu sắc và sự nhiệt tình giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, các ban ngành, đoàn thể và các nhà hảo tâm.
Chặng đường mới đang ở phía trước, còn nhiều thách thức, nhưng cũng đầy hứa hẹn. Thầy trò Trường THPT Nguyễn Thái Bình hôm nay nguyện sẽ phát huy truyền thống, xây dựng trường vững bước đi lên trong giai đoạn mới, sẽ là điểm sáng giáo dục trên quê hương vùng đông Thăng Bình, mãi mãi là niềm tin yêu của nhân dân.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: